Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Islam giáo trong các biến cố chính trị - xã hội ở Syria


Islam giáo trong các biến cố chính trị - xã hội ở Syria



Tổng thống Bashar al-Assad
Làn sóng chống chính phủ Syria hiện nay vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt. Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, tính đến tháng 3 năm 2012, nghĩa là tròn một năm kể từ khi xảy ra những cuộc biểu tình, số người bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở đất nước này đã lên tới con số hơn 7.500 người, và con số đó tiếp tục gia tăng mạnh trong suốt thời gian vừa qua. Các nước phương Tây và Liên đoàn Arab ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình nội bộ của Syria bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Syria cùng hai nước lớn là Nga và Trung Quốc. Sự bất đồng giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria vẫn tiếp tục gay gắt, khiến cho triển vọng về một giải pháp cho tình hình Syria đang đi vào ngõ cụt, bất chấp những sáng kiến do cựu Tổng thư kí Liên hợp quốc Kofi Annan đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.
Sáng kiến của ông Kofi Annan là một kế hoạch giải quyết cuộc xung đột ở Syria hiện nay bằng các biện pháp hòa bình đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab ủng hộ. Theo kế hoạch này, các quan sát viên quốc tế đã được Liên hợp quốc phái đến nhằm giám sát nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, nhưng xem ra kế hoạch hòa giải này khó đi đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế đang mong đợi – hòa bình cho Syria. Các nỗ lực triển khai kế hoạch của đặc phái viên Liên hợp quốc Kofi Annan vẫn đang gặp khó khăn do bạo lực tiếp tục bùng phát tại nhiều địa phương ở nước này. Thêm vào đó, trong khi Nga và Trung Quốc ủng hộ cho kế hoạch này thì phương Tây ngược lại, họ vẫn nuôi hi vọng nhanh chóng lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc xung đột bắt đầu nổ ra ngày 18 tháng 3 năm 2011 với khẩu hiệu: “Allah, Syria, Tự do!” và đến cuối tháng 6 năm 2011, nó nhận được sự ủng hộ của Saleh al-Luhaydan, nhà thần học (Sheikh) Islam giáo nổi tiếng, thành viên Hội đồng Tối cao các học giả Islam giáo của Saudi Arabia. Trong video clip của mình, Sheikh Saleh al-Luhaydan kêu gọi người dân Syria thực hiện cuộc Thánh chiến chống lại “chế độ vô thần” của Tổng thống Bashar al-Assad. Đặc biệt, nhà thần học người Saudi Arabia này đã nhắc tới một nhóm tôn giáo thiểu số có tên gọi là Alawite giáo hay còn gọi là Nusayrit giáo, đang hoạt động tại Syria. Ông ta nói rằng, cần phải tiến hành cuộc Thánh chiến để chống lại những tín đồ Alawite giáo vì họ đã ủng hộ Đảng Baas (Baath) đang nắm quyền và dùng quân đội, cảnh sát đàn áp những người biểu tình.
Vậy Alawite giáo có nguồn gốc từ đâu? Xin điểm qua đôi nét về lịch sử của nhóm tôn giáo thiểu số này.
Alawite có nghĩa là người kế tục của Ali. Các tín đồ Alawite giáo tự nhận mình là những người kế tục của Ali, vị Imam đầu tiên của Islam giáo dòng Shiite, người cháu và đồng thời là con rể của Tiên tri Mohammed. Còn một tên gọi khác cũng được dùng để chỉ những người theo nhóm tôn giáo thiểu số này, đó là Nusayrit giáo. Có hai cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của tên gọi này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tên gọi Nusayrit giáo bắt nguồn từ tên của một giáo sĩ Islam giáo dòng Shiite là Nusayr al-Namir. Vị giáo sĩ này đã qua đời vào năm 850. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, Nusayrit là cách gọi trệch tên xuất phát từ chữ Nazran, có nghĩa là Kitô hữu, ý muốn nói rằng, Alawite giáo có nguồn gốc từ một giáo phái của Kitô giáo và coi những người theo tôn giáo này là những “Kitô hữu thiểu số”. Theo chúng tôi, cách giải thích thứ nhất có tính thuyết phục hơn, và do vậy, dù gọi là Alawite giáo hay Nusayrit giáo cũng đều là một nhóm tôn giáo thiểu số thuộc dòng Shiite trong Islam giáo.
Như chúng ta đều biết, trong Islam giáo có 5 trụ cột: 1. Tin tuyệt đối vào Đấng Tối Cao duy nhất là Allah (Tawhid); 2. Cầu nguyện 5 lần trong một ngày (Sahat); 3. Bố thí cho người nghèo (Zakat); 4. Hành hương đến Thánh địa Mecca (Hadji); 5. Nhịn ăn buổi ngày trong tháng Ramadan. Tín đồ Alawite giáo bổ sung thêm hai trụ cột nữa là: 6. Thánh chiến (Jihad) - ở đây ngụ  ý chỉ sự nỗ lực trong đức tin, chứ  không nhất thiết phải tiến hành cuộc đấu tranh bằng bạo lực để chống lại những người ngoại đạo; 7. Tôn kính Imam Ali. Các giáo sĩ của Alawite giáo thường nhấn mạnh một cách tuyệt đối vào trụ cột thứ sáu và thứ bảy. Họ cho rằng, hai trụ cột đầu không nhất thiết phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt và như vậy, đối với các tín đồ Alawite giáo, lòng tin tuyệt đối vào Đấng Tối Cao được thay bằng sự tôn kính Ali, vị Imam đầu tiên của Islam giáo dòng Shiite và sự nỗ lực trong đức tin (Thánh chiến) có thể thay cho việc cầu nguyện 5 lần trong một ngày.
Trong quá trình lịch sử lâu dài và gian khổ của mình, tín đồ Alawite giáo đã không ít lần bị đàn áp tôn giáo một cách tàn bạo. Năm 1097, những kẻ tham gia cuộc Thập tự chinh đến Trung Đông đã tiêu diệt một bộ phận đáng kể tín đồ Alawite giáo. Nhưng sau đó, khi biết rằng, tín đồ Alawite giáo không được những người Islam giáo xung quanh coi là tín đồ Islam giáo chân chính, họ lại quay sang ủng hộ tín đồ Alawite giáo. Trong suốt thời kì thống trị của triều đại Mamluk (1260-1516) ở Ai Cập và Syria, tín đồ Alawite giáo bị săn đuổi gắt gao. Năm 1320, Ibn Taymiyah,  nhà thần học Islam giáo nổi tiếng đến từ Damascus, đã ban hành một thông điệp (fatwa) chống lại tín đồ Alawite giáo, coi họ là những tên ngoại đạo hơn cả các tín đồ Kitô giáo và tín đồ Do Thái giáo, thậm chí hơn cả những người thờ ngẫu tượng. Trong những bài thuyết giáo của mình, Ibn Taymiyah thường kêu gọi giết tín đồ Alawite giáo và đốt phá nhà cửa của họ. Nhà thần học này được nhiều nhà nghiên cứu Islam giáo coi là nhà tư tưởng tiên khởi của giáo phái Wahhabism sau này, một giáo phái trong Islam giáo xuất hiện vào thế kỉ XVIII ở vùng trung tâm bán đảo Arab.
Số phận của tín đồ Alawite giáo còn đen tối hơn khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng các nước Arab. Năm 1519, Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ là Selim Tàn bạo (Sultan Selim Terrible) đã ra lệnh đàn áp tín đồ Alawite giáo, thậm chí đã diễn ra những vụ tàn sát hàng loạt cộng đồng người này. Bắt đầu từ thế kỉ XVII, thái độ đối xử với tín đồ Alawite giáo có phần dễ chịu hơn, nhưng họ vẫn thường xuyên bị đàn áp. Trong thế kỉ XIX, một thế kỉ được coi là nhân văn hơn, nhưng tín đồ Alawite giáo vẫn bị tàn sát hai lần tại Đế quốc Ottoman vào các năm 1870 và 1877.
Không phải ngẫu nhiên mà tín đồ Alawite giáo đã nhiều lần đứng lên khởi nghĩa chống lại Đế quốc Ottoman và liên kết với người Nga, một địch thủ lâu đời của người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ những năm 1768-1774, Sheikh Nasif Nassar, nhà thần học của Alawite giáo, đã trở thành đồng minh của Đế quốc Nga. Trong cuộc chiến tranh này, Nữ hoàng Êkatêrina II của Nga đã phái một đoàn tàu chiến dưới sự chỉ huy của Bá tước Alexêi Ôrlôv đến Địa Trung Hải để chiến đấu với hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ cuộc đấu tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ của người Hy Lạp và người Slavơ. Sau thất bại của hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ trong trận chiến ở Cesma ngày 26 tháng 6 năm 1770, chiến hạm của Nga với sở chỉ huy đóng trên đảo Paros đã nắm toàn quyền kiểm soát phần phía đông Địa Trung Hải.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc tín đồ Islam giáo dòng Sunni chính thống không ưa thích tín đồ Alawite giáo là ở chỗ giáo thuyết của họ xa lạ đối với những người xung quanh. Cần phải lưu ý rằng, Alawite giáo là một tôn giáo bí truyền. Các nhà thần học của tôn giáo này không muốn thổ lộ những điều gọi là tinh tế trong thần học của mình cho người xa lạ, tuy nhiên cho đến nay, những đặc điểm chủ yếu của tôn giáo này đối với chúng ta vẫn còn là ẩn số.
Thứ nhất, đó là sự diễn giải vấn đề hiển linh (Epiphany - Theophany) của Alawite giáo. Như chúng ta đều biết, Islam giáo dòng Sunni chính thống xác định giới hạn không thể vượt qua giữa Đấng Tạo Hóa với vật được sáng tạo, phủ định mọi cấp bậc trung gian. Còn tín đồ Alawite giáo lại mặc nhiên công nhận ba lần hiển linh trong mỗi chu kì tiên tri: sự hiển linh lộ ra, sự hiển linh ẩn giấu và cửa ngõ dẫn tới chân lý.
Trong chu kì tiên tri gần cuối, Chúa Jesus Kito là sự hiển linh lộ ra, còn Tông đồ phero là sự hiển linh ẩn giấu. Trong chu kì tiên tri cuối cùng, tiên tri Mohammed là sự hiển linh lộ ra, Imam Ali là sự hiển linh ẩn giấu, còn Salman Farsi, người phụ tá của Mohammed, là cửa ngõ dẫn tới chân lý.
Thứ hai, tín đồ Alawite giáo tôn kính những cuốn sách thiêng của Kitô giáo, trong đó có sách Phúc Âm, ngang bằng với sự tôn kính của họ đối với Kinh Koran. Tất cả tín đồ Islam giáo đều tôn kính Chúa Jesus Kitô như một vị tiên tri, nhưng chỉ có tín đồ Alawite giáo mới buộc phải đọc sách Phúc Âm.
Thứ ba, đó là thái độ dễ dãi của tín đồ Alawite giáo đối với đồ uống có cồn. Kinh Koran nghiêm cấm tín đồ Islam giáo uống rượu, nhưng đối với tín đồ Alawite giáo thì họ không những được phép uống rượu mà còn được dùng rượu vang trong các nghi lễ giống như trong Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo.
Thứ tư, đó là niềm tin vào sự luân hồi. Tín đồ Alawite giáo tin rằng, những kẻ phỉ báng Imam Ali sau khi chết sẽ phải hóa thân thành những con vật.
Xét một cách tổng thể, Alawite giáo là sự kết hợp giữa Islam giáo dòng Shiite với những tín ngưỡng cổ xưa theo thuyết Ngộ đạo (Gnosticism) từng thịnh hành ở Trung Đông vào những thế kỉ đầu Công nguyên. Chính tại các vùng lãnh thổ của Ai Cập và Syria đã từng phổ biến các giáo thuyết của các thầy giảng theo phái Ngộ đạo như Valentinus, Basilides và Sathorn. Những thầy giảng này thường rao giảng về sự hóa thân của Thiên Chúa thành một trong số các nhà tiên tri - thầy giảng và về sự luân hồi của linh hồn.
Trên đây, chúng tôi vừa điểm qua đôi nét về giáo thuyết của Alawite giáo và những cuộc bức hại tôn giáo này trong lịch sử. Nhưng các cuộc đàn áp tôn giáo đối với tín đồ Alawite giáo đã kết thúc khi thực dân Pháp đến chiếm đóng nước này theo Hiệp định Sykes - Picot năm 1916 sau sự thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến tranh Thế giới I.
Hiện nay, tín đồ Alawite giáo chiếm khoảng 12% dân số Syria. Theo một số báo cáo, phần lớn tín đồ Alawite giáo sống tại tỉnh biên giới Khatai của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn ở Syria, tín đồ Alawite giáo sống tập trung ở vùng ven biển Địa Trung Hải gần các thành phố Tartus và Latakia và những vùng núi gần đó. Trong thời gian Syria nằm dưới quyền ủy trị của thực dân Pháp (1920-1946), Paris đã dựa vào các tôn giáo thiểu số ở nước này như: Kitô giáo, Alawite giáo và Druze giáo và vì thế, con đường tham gia vào quân đội, cảnh sát và bộ máy an ninh của Syria đã rộng mở cho tín đồ Alawite giáo và nhiều người trong số họ đã tận dụng được cơ hội thuận lợi này.
Sau khi Syria giành được độc lập, chính quyền nước này lại một lần nữa về tay người Islam giáo dòng Sunni chiếm đa số. Tuy nhiên, do sự bất hòa nội bộ, nên tín đồ dòng Sunni đã bỏ qua một điều rất quan trọng. Trong lực lượng quân đội mới của Syria, các vị trí lãnh đạo cấp cao do tín đồ Islam giáo dòng Sunni nắm, nhưng các sĩ quan cấp dưới lại do tín đồ Alawite giáo xuất thân từ các gia đình nông dân nắm. Một sự phù trợ lớn khác đối với tín đồ Alawite giáo là sự thành lập Đảng Baas vào năm 1947. Các tín đồ Alawite giáo bị thiệt thòi về quyền lợi ở nước này ngay lập tức đã trở thành những người ủng hộ tích cực cho Đảng Baas, một chính đảng đưa ra cương lĩnh: “Vì chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc Arab”. Không phải ngẫu nhiên mà những người sáng lập đảng này với khẩu hiệu “Thiên Chúa cho mỗi người còn dân tộc cho mọi người” lại là tín đồ tôn giáo như Salah Bittar, một tín đồ Islam giáo và Michelle Aflyak, một tín đồ Kitô giáo.
Năm 1963, một cuộc đảo chính diễn ra và Đảng Baas lên nắm quyền ở Syria. Thủ lĩnh mới của nước này là tướng Amin al-Hafiz đã tiến hành một cuộc thanh lọc quy mô lớn trong quân đội, đưa những người ủng hộ mình là tín đồ Alawite giáo lên nắm giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội. Nhưng bản thân tướng Amin al-Hafiz lại là một tín đồ Islam giáo dòng Sunni.
Năm 1970, lại một cuộc đảo chính khác xảy ra và kết quả của nó là Hafiz Assad, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một phi công của lực lượng không quân Syria đã trở thành người đứng đầu nhà nước và đây là lần nắm quyền lâu nhất trong lịch sử quốc gia này.
Hafir Assad là một tín đồ Alawite giáo. Khi lên nắm quyền, ông đã dành cho những người thân tín của mình nhiều vị trí quan trọng trong quân đội cũng như trong bộ máy an ninh của nhà nước. Quân đội Syria dưới thời Assad gồm hai loại: lính nhập ngũ theo nghĩa vụ quân sự và binh lính cùng sĩ quan chuyên nghiệp hưởng lương theo hợp đồng. Theo số liệu của hãng phân tích tin Mỹ STRATFOR, trong tổng số 200.000 binh lính và sĩ quan chuyên nghiệp theo hợp đồng, phần lớn là tín đồ Alawite giáo và đây là những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Syria.
Nhìn chung, có tới 70% sĩ quan quân đội Syria là tín đồ Alawite giáo. Lực lượng Vệ binh Cộng hòa hoàn toàn là tín đồ Alawite giáo do Maher chỉ huy. Ông này là em Bashar al- Assad, Tổng thống đương nhiệm của Syria. Các tướng lĩnh là tín đồ Alawite giáo chỉ huy các quân đoàn tinh nhuệ nhất của quân đội Syria như: quân đoàn Damascus chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biên giới với Israel, quân đoàn Zabadani bảo vệ vùng biên giới với Lebanon, còn quân đoàn thứ ba ở Aleppo do một viên tướng Islam giáo dòng Sunni chỉ huy. Vị tướng này là hậu duệ của người Circassians ở Syria.
Tuy nhiên, Hafir al-Assad hiểu rất rõ rằng, nếu không có sự ủng hộ của các nhóm tôn giáo chủ yếu ở Syria thì ông không thể bình yên cai quản đất nước. Và  ông cũng biết rằng, tín đồ Alawite giáo chỉ chiếm ưu thế trong lực lượng quân sự và an ninh của Syria còn vị trí của họ trong nền kinh tế của nước này lại khá khiêm tốn. Trong lĩnh vực kinh tế, vẫn như trước đây, đều do giới tư sản Islam giáo dòng Sunni nắm giữ, trong đó gia đình Mahlyuf có ảnh hưởng lớn nhất. Rami Mahlyuf, người đại diện của gia đình này là một doanh nhân rất giàu có ở Syria. Cách đây không lâu, ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Syria, nhưng bị cáo buộc tham nhũng nên phải từ chức và đây là một trong những nguyên nhân bắt đầu làn sóng chống Chính phủ Syria. Tướng Mustafa Tlass, người cộng tác lâu năm của Assad Cha, cũng là một tín đồ Islam giáo dòng Sunni.
Dưới thời Đảng Bass nắm quyền, người Kitô giáo thiểu số cũng có được một vị trí khá tốt trong nền kinh tế và văn hóa của Syria. Về thực chất, chính sách của Đảng Baas là không để cho các tôn giáo chống đối lẫn nhau và cố gắng tuyển chọn vào hàng ngũ của đảng này những đại biểu ưu tú nhất của mọi cộng đồng cư dân trong xã hội Syria.
Tuy nhiên, vẫn có một điều đáng tiếc xảy ra trong chính sách khoan dung tôn giáo của Hafir al-Assad, đó là sự đàn áp dã man những cuộc nổi dậy của tín đồ Islam giáo chính thống ở thành phố Hama vào năm 1982. Tuy nhiên, trong trường hợp này Hafir al-Assad có lí lẽ riêng của mình. Ông cho rằng, trong điều kiện ở Syria chưa có một xã hội dân sự thì cuộc nổi dậy ở thành phố này rất có thể nhanh chóng biến thành một cuộc nội chiến.
Cũng như vậy, những cuộc nổi dậy chống chính phủ Syria hiện nay rất có thể trở thành một cuộc nội chiến ở nước này, giống như những gì đã xảy ra ở nước láng giềng Iraq. Ở Iraq trước đó không lâu, mọi tôn giáo chung sống tương đối khoan dung với nhau, nhưng từ khi Mỹ chiếm đóng nước này cuộc chiến giữa tín đồ Islam giáo dòng Sunni và tín đồ Islam giáo dòng Shiite đã liên tục diễn ra và ngay cả khi Mỹ đã rút quân thì cuộc chiến này vẫn chưa hề chấm dứt. Hai phần ba cộng đồng Kitô giáo ở Iraq đã rời bỏ đất nước này, những người còn lại luôn sống trong nỗi lo âu của bầu không khí khủng bố.

Biểu tình ở Syria trong phong trào "mùa xuân Arab"
Đúng như sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, bạo lực và bất ổn ở Syria hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm Islam giáo cực đoan xâm nhập vào nước này để thực hiện “Thánh chiến” giống như những gì đang xảy ra ở Yemen, nơi mà tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đang hoành hành, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nước này với sự giúp đỡ quân sự của Mỹ trong cuộc chiến chống các phần tử Islam giáo cực đoan. Thông tin của báo chí Syria cho biết, trong thời gian qua, một số phần tử Islam giáo cực đoan đã xâm nhập  nước này và trà trộn vào lực lượng chống chính phủ Syria ở các thành phố miền Nam để tập hợp lực lượng. Các nguồn tin ngoại giao của phương Tây cho biết, đã phát hiện một đường dây “Thánh chiến” từ Iraq xâm nhập vào Syria. Trong số các nhóm Islam giáo cực đoan xâm nhập vào Syria nổi lên một nhóm có tên là Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda. Các vụ đánh bom vào các cơ quan chính phủ ở thủ đô Damascus và một số thành phố khác của nước này trong thời gian qua được cho là do chính Mặt trận Al-Nusra thực hiện. Theo Abu Mustafa, chỉ huy của Quân đội Syria tự do (FSA), các đơn vị của FSA ở một số thành phố như Aleppo, Hama và Daraa đã từng được các nhóm Islam giáo cực đoan đề nghị hợp tác chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Như vậy, hiểm họa Al-Qaeda đã hiển hiện. Tình hình hiện nay ở Syria đang diễn biến hết sức phức tạp. Chính phủ Syria, một mặt, phải đối phó với làn sóng biểu tình của một bộ phận quần chúng nhân dân và chống lại sự tấn công vũ trang của các lực lượng quân sự đối lập, trong đó có FSA; mặt khác, phải đối phó với hiểm họa Al-Qaeda.
Bước sang năm 2012, tình hình Trung Đông nói chung cũng đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khác với những gì đã xảy ra trong “Mùa Xuân Arab” năm 2011. Trong bài Islam giáo chính trị trong cuộc “cách mạng màu” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 năm 2011 (tr.50-60), qua phân tích những gì đã xảy ra trong các cuộc cách mạng đường phố ở một loạt nước Arab đầu năm 2011, chúng tôi cho rằng, nhân tố Islam giáo chính trị trong cuộc “cách mạng màu” ở các nước Arab khá mờ nhạt. Nhưng một năm sau, qua những diễn biến chính trị mới ở Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya, Syria, v.v… chúng tôi đồng ý với nhận xét của tờ Globe and Mail xuất bản tại Canada, rằng “Mùa Xuân Arab” năm 2011 đã được thay thế bởi “Mùa Xuân Islam giáo” năm 2012. Nếu quả thật là như vậy, trong trường hợp chính quyền nhà nước ở Syria hiện nay bị thay đổi thì các nhóm tôn giáo thiểu số rất có thể sẽ bị nhóm tôn giáo đa số chèn ép và xung đột tôn giáo tiếp tục diễn ra không có hồi kết như đã từng xảy ra trong lịch sử của đất nước này.
Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Nguyễn Văn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét